Bảo Vệ Quyền Lợi Người Lao Động Chính Đáng
Biểu hiện thường thấy của bất kỳ nền kinh tế nào khi gặp khó khăn là nạn thất nghiệp do các doanh nghiệp cắt giảm nhân công. Trong tình hình suy thoái kinh tế nói chung, nước ta không tránh khỏi tình trạng đó.
Hiện chưa có thống kê đầy đủ của cơ quan quản lý lao động về số lượng người mất việc làm trên phạm vi toàn quốc, nhưng quan sát bằng “mắt thường” cũng có thể thấy được hàng vạn người lao động đang đứng trước nguy cơ mất việc làm do doanh nghiệp đang phải phá sản, tạm ngừng hoặc thu hẹp sản xuất, kinh doanh, lùi về cố thủ “tránh bão”.
Đang có xu hướng người lao động ở thành phố quay ngược trở về quê. Nông thôn Việt Nam bao giờ cũng vậy thường là nơi dễ bị người ta quên khi sung sướng, lại là nơi trú ngụ mỗi khi người ta sa cơ lỡ vận. Theo dự báo, tình trạng khó khăn về công ăn việc làm sẽ trầm trọng hơn trong năm 2012 khi nhiều hợp đồng bị đánh tháo, nhiều ông chủ phải giãn thợ. Hơn lúc nào hết việc bảo vệ quyền lợi của người lao động bị mất việc làm trong lúc này càng trở nên cấp thiết
Bộ luật lao động, luật bảo hiểm xã hội và một rừng các văn bản hướng dẫn thi hành nó cũng không làm người ta yên tâm khi quyền lợi của người lao động vẫn không được đảm bảo trên thực tế. Người sử dụng lao động ở nhiều doanh nghiệp vẫn cố tình lờ đi những quyền lợi chính đáng của người lao động.
Đó có thể là việc giới chủ cố tình không ký kết hợp đồng lao động để có thể sa thải nhân viên bất cứ lúc nào. Đó còn là việc họ trốn tránh không đóng, hoặc đóng không đúng mức BHXH cho người lao động.
Ví dụ như có thông tin về việc “đại gia” Nguyễn Thị Diệu Hiền của công ty Bianfishco nợ bảo hiểm xã hội của công nhân lên tới hàng tỷ đồng. Ngoài ra, còn nhiều doanh nghiệp ở các địa phương nợ đóng bảo hiểm cho công nhân ở những mức độ khác nhau.
Nếu không có khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế, nếu mọi việc đều suôn sẻ thì sẽ không có chuyện gì xảy ra. Thế nhưng khi buộc phải cắt giảm nhân công – điều mà không ai mong muốn, thì mọi rắc rối và thiệt thòi sẽ xảy ra đối với người lao động
Chưa có ý kiến